Tin tức

Trang chủ » » Quyết định phê chuẩn TPP của Quốc hội Mỹ: Chờ đợi gì ở tương lai?

Quyết định phê chuẩn TPP của Quốc hội Mỹ: Chờ đợi gì ở tương lai?

08/08/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra cánh cửa tiềm năng cho thương mại khu vực. Tuy nhiên, để hiệp định chính thức có hiệu lực cần sự phê chuẩn từ hệ thống lập pháp của các thành viên. Tiến trình này đang được thực hiện và mối quan tâm lớn nhất vẫn thuộc về quyết định của Quốc hội Mỹ - quốc gia đầu tàu của cam kết.

 Phê chuẩn TPP đang có dấu hiệu bị chững lại

Phê chuẩn TPP đang có dấu hiệu bị chững lại trong giai đoạn nước Mỹ sắp tổ chức bầu cử, và đây là vấn đề mà 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ có thể dùng để thu hút cử tri. Những ý kiến đồng thuận với TPP trong Quốc hội Mỹ cho rằng hiệp định này mở ra cánh cửa cơ hội cho các quốc gia và giải quyết các vấn đề thương mại điện tử, dịch vụ tài chính,…. Ngoài ra, bằng việc áp đặt những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về điều kiện lao động, môi trường, quyền sở hữu trí tuệ, TPP được kỳ vọng tạo ra sân chơi công bằng và tiêu chuẩn. 

Mặt khác, hiệp định cũng là cơ hội mới khi các hiệp định thương mại trước đây dần kém hiệu quả do có quá nhiều quốc gia với sự khác biệt lớn về thể chế kinh tế cùng tham gia. Hơn nữa, điểm đáng chú ý của hiệp định này là không bao gồm Trung Quốc, có thể được hiểu là cách Mỹ giành ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương, đối trọng với Trung Quốc.

Cho tới nay, mặc dù cả hai ứng cử viên tổng thống đại diện cho hai đảng Dân chủ và Cộng hòa – bà Hillary Clinton và ông Donald Trump – đều phản đối hiệp định thương mại tự do giữa 12 nền kinh tế ven bờ Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership - TPP), chính phủ của Tổng thống Barack Obama vẫn luôn cam kết sẽ “tạo bước đột phá” trong những tháng tới để thuyết phục Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát bỏ phiếu phê chuẩn hiệp định.

Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đầu tuần này tại Nhà Trắng, ông Obama đã một lần nữa trấn an ông Lý rằng Quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn hiệp định TPP trước khi ông Obama rời ghế tổng thống Mỹ vào tháng 1-2017, các quan chức chính phủ Mỹ nói với báo The Washington Post.

Ông Obama viết trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo The Straits Times(Singapore) nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Lý :"Tôi biết cuộc đấu tranh chính trị chung quanh hiệp định tự do thương mại là hết sức khó khăn, nhất là trong một năm bầu cử… song chúng ta không thể quay lại hướng nội và đi theo chủ nghĩa bảo hộ. Chúng ta không thể quay lưng với thương mại. Trong kinh tế toàn cầu, nơi mà nền kinh tế và dây chuyền cung ứng của chúng ta đã hòa quyện sâu sắc với nhau thì điều đó là không thể”.

Được sự hậu thuẫn của các tổ chức thương mại và công nghiệp, các quan chức Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ, cũng như quan chức Nhà Trắng đều nói rằng họ đang làm việc chặt chẽ với từng nghị sĩ, dân biểu quốc hội để thuyết minh về lợi ích của hiệp định, nhất là tác động của TPP đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ tại châu Á.

Chờ đợi gì ở tương lai?

Để TPP có hiệu lực, cơ quan lập pháp của các quốc gia thành viên sẽ phải phê chuẩn hiệp định trước tháng 2/2018 và phải có ít nhất 6 quốc gia chiếm 85% tổng sản lượng kinh tế thông qua. Điều này đồng nghĩa những nước lớn như Mỹ và Nhật Bản cần sớm hoàn thành tiến trình. Việc Quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP hay không chưa ngã ngũ, tuy nhiên, những người ủng hộ hiệp định tại Mỹ mong rằng TPP sẽ được thông qua ngay sau cuộc bầu cử tổng thống và trước khi ông Obama chính thức mãn nhiệm. Mặt khác, trong trường hợp Mỹ không phê chuẩn hiệp định thì các thành viên còn lại sẽ tiếp tục đàm phán và tạo ra phân biệt đối xử trong thương mại với nước này. Thương mại quốc tế sẽ trở nên phân cách hơn, hàng hóa sẽ có tiêu chuẩn thấp hơn và không đáp ứng yêu cầu của Mỹ.

Để có hiệu lực, Hiệp định TPP cần phải được 12 nước đối tác phê chuẩn. Tuy nhiên, Quốc Hội Mỹ vẫn còn đang chia rẽ trên vấn đề phê chuẩn văn bản này. Nhiều nghị sĩ thuộc phe Dân Chủ của tổng thống Obama vẫn tỏ thái độ phản đối hiệp định này. Ngoài ra không ít nghị sĩ Quốc Hội Mỹ từ chối ký phê chuẩn Hiệp định chỉ vì họ không muốn ông Obama có được thắng lợi chính trị cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng vào tháng Giêng năm 2017.

Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng TPP sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dự kiến Quốc Hội mới bầu của Việt Nam sẽ phê chuẩn hiệp định này trong kỳ họp đầu tiên vào tháng 7 tới.

Phương Anh

Tổng hợp

 
  




;

Văn bản gốc


;