Lãnh đạo quản trị

Trang chủ » » Định hình chiến lược nhân sự trong Đại dịch COVID-19

Định hình chiến lược nhân sự trong Đại dịch COVID-19

23/04/2020

Đại dịch COVID-19 đã và đang giúp các doanh nghiệp trải qua một trong những trải nghiệm xã hội quan trọng nhất liên quan đến định hình công việc trong tương lai. Làm việc từ xa và các chính sách giãn cách xã hội sớm hay muộn cũng sẽ thay đổi đáng kể phương thức con người làm việc và giao tiếp với nhau. Không chỉ đến Nơi làm việc, mà còn có tác động lớn hơn nhiều đến chúng ta sẽ LÀM VIỆC GÌ và LÀM NHƯ THẾ NÀO trong tương lai không xa.

Rất nhiều người lao động đang làm những công việc mà chỉ vài tuần trước đây thôi họ không thể nghĩ là mình sẽ làm những việc này, thậm chí từ trước đến nay họ cũng chưa bao giờ nghĩ đến. Công nhân ở các công ty may mặc như Brooks Brothers và New Balance hiện đang sản xuất khẩu trang y tế và đồ bảo hộ, trong khi công nhân của Tesla, Ford, và General Motors đang sản xuất máy thở từ phụ tùng ô tô sau khi dừng các dây chuyền ô tô của họ do nhu cầu giảm mạnh.

Lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có cơ hội để định hình và rà soát lại các công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng bằng cách sắp xếp lại công việc của doanh nghiệp và giao cho nhân viên đảm nhận các trách nhiệm khác nhau để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đang thay đổi của doanh nghiệp, khách hàng và người lao động. Chúng tôi đưa ra ba định hướng để luân chuyển công việc, nhân sự tài năng và công nhân lành nghề đến những vị trí và thời điểm cần họ nhất, qua đó giúp tạo dựng sức chịu đựng và sức bật cần thiết cho doanh nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng và tái lập sức mạnh khi kinh tế phục hồi trở lại.

Ảnh: Martin Barraud/Getty Images

1. Phân bổ công việc một cách linh hoạt trong doanh nghiệp

Đại dịch COVID-19 cho thấy tầm quan trọng của việc điều động và phân bổ nhân sự đến các vị trí công việc quan trọng nhất trong doanh nghiệp một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể. Ví dụ, một trong những giải pháp ứng phó trước mắt về mặt nhân sự trong thời gian đại dịch của Ngân hàng Bank of America đó là tạm thời điều chuyển hơn 3000 nhân viên từ khắp hệ thống vào vị trí chỉ để trả lời những câu hỏi và thắc mắc thường xuyên từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Chỉ có thông qua việc phá vỡ các quy chuẩn và ràng buộc tạm thời trong công việc, các nhân sự tài năng mới phát huy được hết khả năng của họ để cùng chung tay với doanh nghiệp đương đầu với khó khăn và thách thức trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Chính mạng lưới các nhóm nhân sự được trao quyền để hoạt động không bị bó buộc bởi hệ thống cấp bậc và chức danh trong công ty mới thực sự thiết yếu để có những đột phá trong thời gian này.

Nhiều tổ chức lớn như Allianz Global Investors và Cisco đã sớm thành lập các Nhóm dự án chuyên trách trong đó nhiệm vụ của họ là phân chia công việc và các hạng mục dự án sau đó kết nối và giao cho nhân sự có khả năng và có thời gian trong toàn bộ tổ chức đảm nhiệm. Mô hình này cũng cho phép những nhân sự đang nhàn rỗi tự tìm thấy công việc khác trong nội bộ doanh nghiệp phù hợp với kỹ năng chuyên môn của họ để tự đề xuất đảm nhiệm, đóng góp một phần tài năng và tạo nên sự khác biệt so với “phiên bản chính”. Ngoài ra, sử dụng mô hình này một cách linh hoạt cũng giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tìm được nhân sự thay thế trong trường hợp nhân sự chính có vấn đề về sức khỏe, hoặc có thể bổ sung nhanh chóng thành viên cho các nhóm dự án thiết yếu và ứng phó kịp thời với tình trạng đóng băng trên thị trường tuyển dụng.

Phân bổ công việc thành những nhóm công việc nhỏ và phân chia nhân sự như trên cũng dễ dàng giúp lãnh đạo nhìn thấy nhóm công việc nào có thể làm tốt ở nhà và những nhóm công việc nào cần phải làm trực tiếp tại văn phòng. Từ đó, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ nhóm những công việc và nhân sự phù hợp với làm việc từ xa thành một nhóm và một nhóm còn lại sẽ là việc trực tiếp tại công ty. Điều này cũng giúp hạn chế số lượng người có mặt tại doanh nghiệp trong khoảng thời gian giãn cách xã hội.

2. Đẩy nhanh tiến trình Tự động hóa

Đối với một số hạng mục công việc nhất định, tự động hóa có thể giúp tăng tính tin cậy, tính an toàn, sự tiện lợi và ngay cả thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động, chưa kể đến có thể giúp đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu trong ngắn hạn. Trên thực tế, Tự động hóa không có nghĩa là lấy mất đi cơ hội việc làm của người lao động trong môi trường kinh tế ngày nay mà tự động hóa đã trở nên một tính năng không thể thiếu để đương đầu với khủng hoảng.

Rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phục vụ các tiện ích công cộng đã triển khai việc sử dụng phần mềm tự động hóa trong những tuần gần đây để cho phép người động có thể vận hành, giám sát và kiểm tra hệ thống từ xa, do vậy tránh được nguy cơ lây nhiễm virus trong cộng đồng và cho phép các tiện ích được vận hành trơn tru.

3. Phát triển mô hình “Chia sẻ nhân sự liên ngành”

Các lãnh đạo doanh nghiệp nên tự hỏi rằng: Chúng ta có thể tận dụng hệ sinh thái nhân sự tài năng rộng lớn như thế nào để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người lao động trong thời kỳ khủng hoảng này. Một giải pháp mang tính đột phá sáng tạo đó là phát triển một hệ thống chuyển đổi nhân sự tài năng liên ngành, trong đó tạm thời điều chuyển nhân viên mất việc do khủng hoảng (ví dụ trong các ngành như hàng không, du lịch – khách sạn) sang các tổ chức/doanh nghiệp hoạt động trong các ngành đang cần nhân sự trong thời điểm này (như Y tế, Logistics, Các cửa hàng bán lẻ…). Điều này một mặt sẽ giúp giảm được các chi phí vận hành kể cả chi phí liên quan đến cứu vớt uy tín doanh nghiệp khi cho nhân viên nghỉ, mặt khác hỗ trợ được người lao động phát triển các kỹ năng mới và môi trường mới.

Ví dụ, siêu thị Kroger ở Mỹ tạm thời “mượn” nhân viên của Sysco Corporation trong 30 ngày để điều chuyển đến các nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Hoặc một vài tháng trước đó, ở Trung Quốc, các công ty cũng đã bắt đầu phát triển mô hình “chia sẻ nhân viên”, điều chuyển nhân viên không có việc từ các nhà hàng nhỏ lẻ đến các nơi đang có nhu cầu lớn về nhân sự như Hema, một chuỗi tạp hóa bán lẻ của Alibaba. Hiện có hơn 3000 nhân viên mới từ hơn 40 công ty trong các ngành khác nhau đã gia nhập chương trình “chia sẻ nhân viên” của Hema.

Trong mô hình này, các doanh nghiệp có nhu cầu nhân sự sẽ định nghĩa những kỹ năng nào mà họ đang tìm kiếm, sau đó họ sẽ kết nối với các công ty cũng đang có nhu cầu chia sẻ nhân sự để thống nhất thời gian “cho mượn”, các điều khoản về chi phí, lợi ích và bảo hiểm.

Đại dịch COVID-19 là một cú sốc lớn cho nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội của cả doanh nghiệp và người dân tuy nhiên ngạn ngữ có câu “thời thế tạo anh hùng”, thời khắc khó khăn mặt khác lại đem đến cơ hội cho những sáng tạo bất ngờ. Định hình lại công việc trong bối cảnh môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch trong giai đoạn này có thể sớm tạo đà cho tương lai của nghề nghiệp và mở ra các hướng đi mới, các ý tưởng mới trong việc các công việc trong tương lai sẽ được thực hiện như thế nào, triển khai ở đâu và do ai tiến hành. Và điều quan trọng là những định hình và ý tưởng này sẽ giúp tạo dựng từ bây giờ sức mạnh, sự hồi phục, tính hiệu quả cho doanh nghiệp và giúp người lao động có cuộc sống “dễ thở” hơn rất nhiều.

Đức Lê (biên dịch từ HBR)

Theo VNR500 / HBR

  




;

Văn bản gốc


;