Xu hướng thị trường

Trang chủ » » Điểm tin - Kinh tế Thế giới tuần qua

Điểm tin - Kinh tế Thế giới tuần qua

27/04/2020

Giá dầu giảm mạnh, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chứng kiến sự sụt giảm đầu tiên trong nhiều thập kỉ qua, một gói kích cầu lớn khác được kích hoạt ở Nam Phi, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đang hành động... là những diễn biến chính của thị trường toàn cầu trong tuần qua trước bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng.

Giá dầu đã giảm trong bối cảnh dự báo rằng nhu cầu sẽ giảm mạnh trong năm nay. Giá dầu thô Brent giảm xuống dưới $16.5/thùng, thấp nhất trong hai thập kỷ qua. Các hợp đồng dầu WTI, một chuẩn mực dầu của Bắc Mỹ, thậm chí còn giảm xuống mức giá âm, đây là lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận tình trạng này, mức giá dầu WTI giảm xuống $-40/thùng. Điều này nghĩa là các thương lái trên thực tế phải trả tiền cho người mua để họ mang dầu về. Quan ngại về năng lực lưu kho của các điểm phân phát đã chật kín trong khi các hợp đồng đã đáo hạn càng dấy thêm mối lo lắng này. Baker Hughes, một trong những nhà cung cấp dịch vụ lọc dầu lớn nhất trên thế giới đã ghi nhận mức thua lỗ kỷ lục lên đến 10 tỷ USD trong quý I, một phần do tổ chức này phải định giá giảm giá trị tài sản của mình. Trong tuần này giá dầu có nhích lên đôi chút sau khi nổ ra căng thẳng giữa Tổng thống Trump với Iran.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm xuống mức 6,8% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là sự sụt giảm đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua. Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trở lại vào cuối năm nay mặc dù khó có thể đạt được như kế hoạch của chính phủ Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế liên tục của Trung Quốc trong nhiều năm qua kể từ khi chấm dứt kỷ nguyên của Mao Trạch Đông đã hỗ trợ rất nhiều cho các ngành sản xuất trên toàn cầu. Nhiều ý kiến vẫn hy vọng rằng sự sụt giảm trong quý này chỉ là tạm thời chứ không phải là dấu chấm hết cho một thời kỳ bùng nổ.

Mặc dù những dự đoán không mấy khả quan về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, hai công ty khai khoáng lớn nhất thế giới là BHP và Rio Tinto vẫn lạc quan đưa ra triển vọng sáng sủa của họ ở Trung Quốc. BHP nhận định rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của họ đã bắt đầu khởi động lại ở quốc gia này và nếu không bùng phát lại dịch bệnh, rất có thể sản xuất thép của họ sẽ tăng trong năm nay.

Alibaba cũng cho biết rằng công ty này sẽ đầu tư 200 tỷ NDT (khoảng 28 tỷ USD) vào công nghệ điện toán đám mây trong ba năm tới. Alibaba đang đối mặt với tình trạng cạnh tranh khốc liệt trong dịch vụ điện toán đám mây ngay ở thị trường nội địa. Công ty này cũng sẵn sàng cạnh tranh với hai ông lớn là Microsoft và Amazon trên thị trường quốc tế.

Tổng thống Nam Phi, Cyril Ramaphosa, vừa tuyên bố gói kích cầu lớn trị giá 500 tỷ Rand (Khoảng 26 tỷ USD) để vực dậy nền kinh tế vốn đã điêu đứng trước COVID-19 và rơi vào suy thoái từ cuối năm ngoái. Hàng triệu người đang sống dựa vào các công việc phi chính thức để kiếm ăn, thậm chí còn khó khăn hơn bởi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của quân đội. Chính phủ Nam Phi đã kêu gọi sự giúp đỡ của IMF và các tổ chức quốc tế khác trong các khoản tài trợ cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe khẩn cấp.

Đạo luật cung cấp hơn 300 tỷ USD trong gói hỗ trợ bổ sung cho các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang chờ Quốc hội phê duyệt. Số tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp để giữ chân người lao động trong gói hỗ trợ 2 nghìn tỷ gần đây đã cạn trong bối cảnh nhu cầu cao.

Facebook đã chi khoảng 5.7 tỷ USD để mua 10% cổ phần của Jio Platform, một hãng công nghệ và viễn thông trực thuộc đế chế Reliance Industries ở Ấn Độ. Trong hơn 5 năm qua, đã có 560 triệu người Ấn Độ truy cập Internet và Facebook muốn khai thác tiềm năng này với tham vọng kết nối WhatsApp với dịch vụ kinh doanh nhỏ của Jio để người tiêu dùng có thể có được “trải nghiệm di động liền mạch”.

Doanh thu của Huawei tăng khoảng 1.4% trong quý đầu so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 182 tỷ NDT (khoảng 25,7 tỷ USD). Đây có thể xem là kỳ tích của công ty viễn thông này trong bối cảnh chiến tranh thương mại và sự bùng phát của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc mặc dù mức này thấp hơn rất nhiều mức tăng trưởng 39% của công ty này đạt được trong năm trước. Đại dịch cũng đã trì hoãn sự giới thiệu mạng 5G, một yếu tố còn gây tranh cãi của Huawei tại nhiều nước.

Số người đăng ký Netflix trong quý I/2020 là 15.8 triệu, tăng gấp đôi dự báo. Phần lớn là do mọi người ở nhà tuân thủ giãn cách xã hội và theo dõi các chương trình giải trí của nhà cung cấp này. Netflix hiện có 183 triệu người đăng ký trên toàn cầu. Giá cổ phiếu của công ty này đang được giao dịch ở mức cao kỷ lục. Một khó khăn tiềm tàng của Neflix là dây chuyền sản xuất của họ có thể sẽ dừng hoạt động do lệnh phong tỏa.

Trong một diễn biến khác của ngành hàng tiêu dùng, Coca Cola cho biết, mặc dùng khởi đầu năm khá thuận lợi nhưng doanh thu đã sụt giảm trong quý I khi lệnh phong tỏa được triển khai. Doanh số của hãng này giảm 25% trong tháng 4/2020 khi một loạt nhà hàng và cửa hàng nhỏ lẻ đóng cửa. Trong khi đó, doanh số của Protect & Gamble đã tăng đáng kể trong quý này do người dùng thi nhau mua tích trữ các mặt hàng như giấy vệ sinh, sản phẩm vệ sinh nhà cửa và bột giặt.

Đức Lê (biên dịch từ The Economist)

Nguồn: VNR / The Economist

  




;

Văn bản gốc


;