Góc nhìn Chuyên gia

Trang chủ » » Đánh giá tái cấu trúc kinh tế Việt Nam và những khuyến nghị chính sách

Đánh giá tái cấu trúc kinh tế Việt Nam và những khuyến nghị chính sách

10/12/2015

Trong 5 năm tới, nền kinh tế cần tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất: Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Năm 2014, Việt Nam đã ổn định nền kinh tế vĩ mô với tỷ lệ lạm phát chỉ ở mức 4,09%, tăng trung bình 0,15%/tháng - là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. CPI giảm chủ yếu do giá hàng hóa và năng lượng trên thế giới giảm, góp phần giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, giảm tác động đến lạm phát của yếu tố chi phí đẩy (xăng A92 đã giảm 30% giá bán trong năm 2014). Đứng trước cơ hội và hội nhập quốc tế cũng như để nền kinh tế phát triển bền vững, Việt nam chủ trương phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây là nhiệm vụ rất lớn và phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành. Trong 5 năm tới, nền kinh tế cần tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất: Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Bài viết này sẽ đánh giá tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2012-2014 và đưa ra những khuyến nghị chính sách cho 3 lĩnh vực trên.

  1. Tái đầu tư công

Tái đầu tư trọng tâm là đầu tư công, là một trong những kế hoạch của giai đoạn 2011-2015 nhưng hiện tại đầu tư công của Việt Nam đã trở nên thiếu bền vững dưới phương diện ngân sách và làm cho nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương trên phương diện các cân đối vĩ mô. Tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, nợ đọng trong xây dựng cơ bản vẫn chưa được xử lý triệt để, trong khi quy trình quản lý thiếu minh bạch thông tin, vốn đầu tư phân bổ không rõ ràng dẫn đến tình trạng trùng lắp của các dự án đầu tư.

Như vậy, tái cấu trúc đầu tư công cần phải làm giảm quy mô của đầu tư công, dù giảm không có nghĩa hiệu quả của đầu tư công tự động tăng nhưng làm chi phí đầu tư vào các dự án không cần thiết lớn hơn; nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước và trong hoạt động đầu tư công, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan đã được phân cấp trong quản lý, phân bổ vốn đầu tư; tăng cường công tác theo dõi, đánh giá và kiểm tra, thanh tra đầu tư công, nhất là sự giám sát của người dân và cộng đồng; xác định cơ cấu đầu tư công theo ngành, lĩnh vực, theo vùng và theo địa phương một cách có hiệu quả nhất, gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam; thay đổi tỷ trọng của đầu tư công vào từng lĩnh vực: Cung cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ công chất lượng; tăng đầu tư vào giáo dục-đào tạo, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ…

  1. Tái cấu trúc Doanh nghiệp Nhà nước

Trong tổng thể đề án tái cơ cấu nền kinh tế thì việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước là việc làm hết sức cần thiết mà trọng tâm là tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước. Tái cấu trúc Doanh nghiệp Nhà nước được coi là khó khăn nhất bởi lẽ phải tái cấu trúc giữa một bên là Nhà nước, một bên là thị trường nên sức chi phối của nhóm lợi ích là rất lớn.  Xuất phát từ việc khu vực này nắm một nguồn lực lớn trong nền kinh tế cả về tài nguyên lẫn con người nhưng lại hoạt động kém hiệu quả. Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chưa thể hiện được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế mặc dù được Nhà nước giao cho nhiệm vụ này. Hoạt động của DNNN trong các ngành công nghệ cao, công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, cơ khí chính xác, thiết bị quang học v.v... khá yếu kém và mờ nhạt. Hầu hết các tổng công ty hoạt động trong những lĩnh vực này đều đạt mức lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ. Bên cạnh đó khu vực DNNN không còn là khu vực tạo ra công ăn việc làm chính cho nền kinh tế.

Năm 2012, cả nước chỉ cổ phần hóa được 13 doanh nghiệp (bằng 14% kế hoạch) và năm 2013 cũng chỉ cổ phần hóa 16 doanh nghiệp. Đây là con số rất thấp so với những gì mà lộ trình đề án đưa ra.

Nhìn chung, trong giai đoạn 2011-2013, chuyển biến đáng kể nhất là tổng lợi nhuận toàn khối DNNN có xu hướng tăng lên. Mặc dù số lượng DNNN có giảm xuống, cơ cấu tài sản và vốn chủ sở hữu tiếp tục tăng lên.

Tuy nhiên, quy mô nợ ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn rất cao, quá trình tái cơ cấu DNNN diễn ra chậm chạp, các vấn đề đối với quá trình cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn 2001-2010 vẫn chưa được giải quyết trong giai đoạn 2011-2013.

Bước sang năm 2014, có sự thay đổi rõ rệt và mạnh mẽ trong động thái cổ phần hóa DNNN. Với cách tiếp cận phải đặt quá trình tái cơ cấu trên nền tảng các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường (cạnh tranh tự do, bình đẳng và hệ thống giá được thiết lập trên cơ sở chủ yếu là cung - cầu thị trường và cạnh tranh), Chính phủ đã tỏ ra quyết liệt hơn trong việc đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa DNNN, coi đây là hướng ưu tiên trong 3 trục chính của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Chính phủ đặt ra nhiệm vụ trong 2 năm 2014-2015, phải cổ phần hóa được 532 DNNN ((sau khi rà soát, bổ sung danh mục DN phải CPH theo tiêu chí phân loại DNNN mới được ban hành thì số DNNN phải cổ phần hóa, thoái vốn tăng từ 432 DN như kế hoạch trước đó lên mức 532 DN, cập nhật cuối tháng 12/2014)), tức là căn bản hoàn thành toàn bộ chương trình cổ phần hóa DNNN. So với tốc độ cổ phần hóa cực kỳ chậm chạp của những năm trước, đặt trong bối cảnh cả nền kinh tế - cả khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp – đều gặp khó khăn, đặc biệt là nguồn lực tài chính, nhiệm vụ cổ phần hóa 532 DNNN dường như là một thách thức to lớn mà Chính phủ tự đặt ra cho mình. Thực tế là trong 6 tháng đầu năm 2014, mới cổ phần hóa được 38 DN, tương đương 3,9% số DN phải cổ phần hóa trong 2 năm 2014-2015 và 10,4% kế hoạch năm 2014.

Tuy nhiên, động thái ban đầu của nỗ lực vượt qua thách thức này là tích cực và có vẻ đúng hướng, đúng cách. Việc gắn trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo DNNN với kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp đang tạo ra áp lực và động lực khá mạnh để thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh và hiệu quả hơn trong quãng thời gian còn lại.

Quá trình tái cơ cấu khu vực DNNN chưa đạt được kết quả như mong đợi do nhiều nguyên nhân: việc phê duyệt đề án tái cơ cấu còn chậm; thông tin hoạt động về các DNNN chưa được minh bạch; cơ chế, chính sách chưa ban hành kịp thời; năng lực quản trị của đội ngũ cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp còn yếu; thiếu nguồn tài chính để thực hiện tái cơ cấu; tiến trình cổ phần hóa diễn ra hết sức chậm;...

Khuyến nghị:

DNNN thông tin cần phải minh bạch, rõ ràng, công khai chuẩn mực tài chính kế toán cũng như báo cáo chính xác các khoản nhận hỗ trợ từ Chính phủ; giảm quy mô của các DNNN cả về số lượng lẫn tỷ trọng đóng góp của khu vực này vào GDP cả nước, giảm đóng góp của khu vực này vào GDP ở mức 15-17% vào năm 2015, và xuống mức dưới 10% vào năm 2020; sử dụng lợi nhuận bình quân của 10 năm trước khi cổ phần hóa để tính lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp; không định giá lại các khoản đầu tư tài chính khi thực hiện bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần...

  1. Tái cấu trúc thị trường tài chính

Tái cấu trúc thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính. Một trong những mục tiêu chính của tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại là phát triển hệ thống tài chính quốc gia và để phát triển hệ thống tài chính cần phải xem xét những khía cạnh: (1) Tăng trưởng tài chính; (2) Sự cạnh tranh trong ngành ngân hàng; (3) Khả năng sinh lợi của ngành ngân hàng.

Tỷ lệ nợ xấu trong ngành ngân hàng lại có xu hướng tăng, theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của các NHTM cho thấy tỷ lệ nợ xấu giảm xuống trong giai đoạn 2008 – 2010 và tăng lên trong ba năm tiếp theo.

Bảng 1: Tỷ lệ nợ xấu bình quân của nhóm 5 ngân hàng TMCP lớn nhất (theo tổng tài sản) giai đoạn 2008 – 2013

Năm

2008

2009

2010

2011

2012

2013

Tỷ lệ nợ xấu

2.54%

1.79%

1.71%

1.75%

2.05%

2.18%

Nguồn: Số liệu tổng hợp từ các báo cáo tài chính

Bảng 1 cho thấy 5 ngân hàng TMCP có tổng tài sản lớn nhất gồm: ACB, BIDV, Vietinbank, MBBank và Vietcombank thì tỷ lệ nợ xấu trong ba năm 2008 – 2010 có xu hướng giảm. Các khoản vay nhanh chóng được thu hồi, nợ xấu giảm có thể coi đây là giai đoạn “lên ngôi” của ngành ngân hàng. Song kể từ năm 2011, do ảnh hưởng của nền kinh tế bị suy thoái nên đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp này không trả được nợ, tạo ra nhiều nợ xấu cho ngân hàng. Đồng thời, trong giai đoạn 2009- 2010, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay tối đa khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao trong những năm tiếp theo.

Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đạt được những kết quả khả quan. Đầu tiên phải kể đến là có sự thay đổi vể năng lực tài chính và hoàn thiện hệ thống sáp nhập các ngân hàng. Đó là sự hợp nhất 03 ngân hàng: NHTM Cổ phần Sài gòn, Ngân hàng Đệ nhất và Ngân hàng Việt Nam Tín nghĩa. Trước khi hợp nhất, ba ngân hàng này lâm vào tình trạng mất khả năng thanh khoản trầm trọng, nhưng sau khi sáp nhập với nhau thành một ngân hàng thì đã đảm bảo được các khoản chi trả, các khoản tiền gửi của dân chúng và thanh toán được hầu hết các khoản nợ vay tái cấp vốn của NHNN. Như vậy, về cơ bản đã kiểm soát được tình hình của các NHTM cổ phần yếu kém; giảm số lượng các NHTM hoạt động kém hiệu quả đồng thời chất lượng hoạt động của các NHTM có một số chuyển biến tích cực; hệ thống ngân hàng đã tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ để kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng triển khai còn chậm, chưa thật sự hiệu quả; tiếp đó là vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng vẫn chưa được hạn chế và kiểm soát hiệu quả

Khuyến nghị:

Các tổ chức tín dụng cần tích cực xử lý nợ xấu: thường xuyên đánh giá lại, phân loại đúng chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ; thông tin của các tổ chức tín dụng cần minh bạch; cần cấp bách giải quyết vấn đề tiêu cực trong sở hữu chéo đang hình thành một cách mạnh mẽ, khó kiểm soát hiện nay; nâng cao vai trò hiệu quả quản lý giám sát của NHNN và Chính phủ đồng thời hoàn thiện môi trường pháp lý…

 TS. Hoàng Xuân Trung 

  




;

Văn bản gốc


;