Tin tức

Trang chủ » » Bàn về "nguy cơ hai nền kinh tế" ở nước ta

Bàn về "nguy cơ hai nền kinh tế" ở nước ta

01/03/2017

Chuyên mục: Tin tức In trang

Đây là bài viết của GS-TSKH Nguyễn Mại - người có gần 30 năm gắn bó với chiến lược thu hút FDI - trao đổi thêm về một số nội dung xung quanh vấn đề "Nguy cơ hai nền kinh tế" được đề cập trong bài đăng “Giảm nguy cơ hai nền kinh tế trong một quốc gia” của tác giả Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh) trên Báo Đầu tư.

Có “nguy cơ’ hai nền kinh tế trong một quốc gia tại Việt Nam (?)

Trong bài viết “Giảm nguy cơ hai nền kinh tế trong một quốc gia”, tác giả đã dẫn lời Phó thủ tướng Vương Đình Huệ “lo ngại về rủi ro hai nền kinh tế trong một quốc gia: đó là nền kinh tế của khu vực FDI và nền kinh tế của doanh nghiệp tư nhân nội địa” để nói về “nguy cơ”. Xin lưu ý, trong từ điển tiếng Việt, “lo ngại” và “nguy cơ” là hai trạng thái rất khác nhau; “lo ngại là bận tâm về khó khăn”, còn “nguy cơ là cái có thể gây ra tai họa trong một thời gian rất ngắn”.

Nhà nước Việt Nam đã theo đuổi chính sách thu hút FDI từ khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 29/12/1987; từng thời kỳ đã tổng kết kinh nghiệm và đề ra định hướng chính sách mới. Gần đây, năm 2007 đã tổng kết 20 năm FDI và năm 2012 tổng kết 25 năm FDI. Năm nay sẽ tổ chức tổng kết 30 năm FDI.

Sản xuất bao bì tại Công ty Goldsun cung cấp cho Samsung - doanh nghiệp FDI có đóng góp lớn nhất vào xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh 

Mỗi lần tổng kết đều tiến hành khảo sát, điều tra, đánh giá từng mặt và toàn diện, với sự tham gia của các doanh nghiệp FDI, hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, một số tổ chức quốc tế. Trong các kỳ tổng kết đó, cũng như tại nhiều cuộc hội thảo khoa học, chưa có ai đề cập “nguy cơ hai nền kinh tế trong một quốc gia”, bởi thực tiễn 30 năm thu hút FDI không tồn tại nguy cơ đó.

Có nguy cơ xung đột về quan điểm trong thu hút FDI ở Việt Nam (?)

Sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi thực hiện chủ trương Đổi mới đến nay đã minh chứng hùng hồn rằng, chính sách thu hút FDI là hoàn toàn đúng đắn và đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn. Đúng như Nhóm nghiên cứu của Đại học Fulbright (Mỹ) đã đánh giá, “khu vực FDI là động lực tăng trưởng đang được vận hành tốt nhất trong nền kinh tế Việt Nam”.

Mỗi quốc gia nhất định phải phát triển doanh nghiệp trong nước, kể cả doanh nghiệp tư nhân, nhưng đối với FDI thì lựa chọn là “có hoặc không”, nói cách khác là không bắt buộc phải thu hút FDI.

Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhất quán từ khi ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2000, hiện đang hoàn thành giai đoạn cuối để trình Quốc hội Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại phiên họp đầu năm 2017, do đó, mặc dù còn nhiều hạn chế trong thực hiện hỗ trợ tài chính, tín dụng ưu đãi cho DNNVV, nhưng tác giả bài viết này không thể đồng tình với nhận định của tác giả Hồ Quốc Tuấn rằng, “những chiến lược hỗ trợ vốn cho DNNVV, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường dường như chỉ là những khẩu hiệu”.

Việt Nam là một trong những nước coi thu hút FDI là chính sách lớn và nhất quán, chứ không phải vì “Việt Nam không đủ giàu và phát triển như một số nước châu Âu để nói không với vốn FDI” như tác giả đã viết. Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút FDI cả khi gia nhập nhóm nước có thu nhập cao.

Từ khi thực hiện chính sách này chưa thấy xuất hiện “nguy cơ xung đột quan điểm trong việc thu hút FDI” như lo ngại của tác giả Hồ Quốc Tuấn. Thực tế trên một số phương tiện truyền thông, tại một vài cuộc hội thảo đã có các cách tiếp cận và đánh giá khác nhau về thành tựu, vấn đề liên quan đến FDI; trước sự kiện thảm họa môi trường biển ở 4 tỉnh ven biển miền Trung, đã ý kiến nhận xét và từ đó đề ra giải pháp khắc phục đối lập nhau. Đó là hiện tượng bình thường trong đời sống của đất nước. Không nên coi đó là nguy cơ xung đột quan điểm.

DNNVV có bị doanh nghiệp FDI chèn lấn không (?)

Tác giả Hồ Quốc Tuấn đã dựa trên số liệu thống kê và điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc để nhận định: “DNNVV đang dần bị chèn lấn bởi doanh nghiệp FDI”.

Theo tôi, trên thực tế, không diễn ra điều đó, mà ngược lại, DNNVV đã được phát triển nhanh hơn ở những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI nhờ 2 nhân tố: thu nhập của một bộ phận dân cư tăng lên nhanh chóng, nên có vốn để thành lập doanh nghiệp; thu ngân sách địa phương tăng nhanh có khả năng hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước. Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai là những địa phương phát triển với tốc độ cao và cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng hiện đại nhờ thành công trong thu hút FDI.

Về kim ngạch thương mại quốc tế cũng cần có cách tiếp cận đúng với thực tế. Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa ở mức 2 con số trong gần 2 thập niên và hiện đã gia nhập nhóm 35 nước có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên 100 tỷ USD/năm.

Nhờ gia tăng kim ngạch thương mại, giảm dần nhập siêu và có năm xuất siêu, đồng thời thu hút lượng vốn lớn FDI trên 10 tỷ USD/năm, du lịch quốc tế tăng nhanh, nên cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, dự trữ ngoại hối gia tăng, Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết. Nếu không có khu vực FDI, liệu có thể có trạng thái đó không (?).

Vì sao doanh nghiệp trong nước, nhất là DNNVV chiếm tỷ trọng chưa đến 30% trong kim ngạch xuất khẩu năm 2016?

Trước hết, tiềm lực của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, doanh nghiệp tư nhân được phát triển từ năm 2001, nhưng đến năm 2007 mới bắt đầu hình thành một số tập đoàn kinh tế như Vingroup, Hòa Phát; 97% là DNNVV, trong đó chủ yếu là siêu nhỏ và nhỏ.

Thứ hai, số doanh nghiệp lớn chủ yếu kinh doanh địa ốc; số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tăng dần, nhưng chưa nhiều và chưa có thương hiệu quốc tế.

Để khắc phục tình trạng ít vốn, chưa thiết lập quan hệ với nước ngoài thì việc dựa vào doanh nghiệp FDI làm gia công, đặt hàng để xuất khẩu là phương thức thích hợp nhất, mặc dù không được hưởng lợi nhiều. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đã gia tăng nhanh chóng, từ 7,67 tỷ USD năm 2000 lên 47,7 tỷ USD năm 2015.

Tỷ trọng của doanh nghiệp trong nước trong kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm do tốc độ tăng của khu vực FDI cao hơn, chưa nói đến việc chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng hiện đại và khu vực FDI luôn xuất siêu.

Hiện nay, khi đã tích tụ được vốn và am hiểu thị trường quốc tế thì nhiều hiệp hội ngành nghề như dệt may, da giày, thủy sản đang tập trung xây dựng chiến lược và thương hiệu để chuyển từ gia công, đặt hàng sang quan hệ trực tiếp với khách hàng, nhằm tạo giá trị gia tăng và lợi nhuận nhiều hơn.

Công nghiệp hỗ trợ và tác động lan tỏa

Trong những năm gần đây, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là câu chuyện thời sự của Chính phủ và chính quyền các địa phương. Một số công trình nghiên cứu năm 2015 đã chỉ ra rằng, hiện chỉ có 21% DNNVV tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi ở Thái Lan là trên 30% và ở Malaysia là 46%, do vậy, DNNVV ít được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI thông qua chuyển giao công nghệ, kiến thức và nâng cao năng suất. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quan hệ mua bán hàng hóa với nhau, nhưng chưa chú trọng hỗ trợ nhau theo chuỗi cung ứng để phát triển sản phẩm và kinh doanh hiệu quả.

Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng, năm 2016 đã có một số mô hình và dự án khả thi trong việc phát triển CNHT ở nhiều địa phương.

Câu chuyện Samsung là điển hình về việc tham gia chuỗi cung ứng của một tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghiệp điện tử.

Từ tháng 9/2015 đến giữa năm 2016, Samsung đã triển khai chương trình tăng cường năng lực cho các nhà cung ứng Việt Nam, thông qua việc cử chuyên gia từ Hàn Quốc sang trực tiếp hỗ trợ công ty Việt Nam. Nhờ vậy, đến tháng 8/2016, Samsung đã có khoảng 200 doanh nghiệp CNHT là doanh nghiệp Việt Nam, tăng đột biến từ 10 doanh nghiệp vào cuối năm 2014.

CNHT chưa được phát triển đã làm cho tác động lan tỏa khu vực FDI chưa được như kỳ vọng. Tuy vậy, tác động lan tỏa rộng hơn nhiều so với CNHT. Nhiều bài báo đã nói đến sự thay đổi ở Bắc Ninh từ năm 2012 đến nay nhờ vào thu hút có hiệu quả nhiều tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Nokia, Canon. Từ một tỉnh nông nghiệp, đến nay, trong cơ cấu kinh tế của Bắc Ninh, công nghiệp và dịch vụ chiếm tới 81,5%.

Tăng cường liên kết giữa khu vực FDI với doanh nghiệp tư nhân trong nước

Chính phủ Việt Nam hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) đã xuất bản cuốn “Việt Nam 2035 - Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”, trong đó khẳng định việc “phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm”.

Định hướng FDI đến năm 2020 sẽ chú trọng việc kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp tư nhân trong nước để làm cho hai khu vực kinh tế đó cùng với kinh tế nhà nước phát triển hài hòa, cạnh tranh lành mạnh và hướng tới nền kinh tế thịnh vượng và sáng tạo.

Khu vực tư nhân, khu vực FDI và khu vực nhà nước cần đồng hành trong việc thực hiện mục tiêu chung đó.

Khu vực tư nhân đang hướng tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, với quy mô lớn hơn và chất lượng cao hơn để trở thành động lực tăng trưởng quan trọng. Năm 2016, đã có  110.000 doanh nghiệp mới thành lập. Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đang mở rộng kinh doanh sang ngành nghề mới, như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái; nhiều doanh nghiệp đã coi trọng đổi mới công nghệ. Đó là tín hiệu tốt cho giai đoạn phát triển mới.

Chính quyền nhiều địa phương đã lập các quỹ hỗ trợ vốn, bảo lãnh tín dụng, kết nối giữa DNNVV với ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo và một số ngân hàng thương mại đã có gói tín dụng ưu đãi cho DNNVV.

Trong khi đó, để khu vực FDI đóng góp nhiều hơn và có hiệu quả hơn vào phát triển kinh tế - xã hội thì yếu tố cốt lõi là chính quyền địa phương cần sử dụng có hiệu quả quyền lựa chọn dự án FDI và nhà đầu tư vào các ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Từ kinh nghiệm của Samsung năm 2016 và của Honda trong ngành xe máy cần tìm ra những mô hình thích hợp với sản phẩm, địa phương để tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.

Chương trình phát triển CNHT của Chính phủ đến năm 2025 bao gồm các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; thu hút đầu tư nước ngoài vào CNHT; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý theo chuỗi sản xuất toàn cầu, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ... nhằm đến năm 2020, sản phẩm CNHT đáp ứng khoảng 45% và năm 2025 đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa.

Trong khi coi trọng chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với từng khu vực kinh tế, Nhà nước cũng cần hình thành chính sách liên kết giữa khu vực kinh tế tư nhân với khu vực FDI, bao gồm bắt buộc áp dụng hình thức liên doanh đối với một số dự án FDI, ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp FDI liên kết có hiệu quả với doanh nghiệp trong nước.

Đó là những nội dung sẽ được đề ra trong định hướng mới về FDI.

GS-TSKH Nguyễn Mại
 
Báo Đầu tư
  




;

Văn bản gốc


;